Thế giới người bệnh tâm thần

Ngày ấy cách đây 15 năm khi tôi mới bước chân vào làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam thì bạn bè cười cho rằng ” người điên ” mới làm ở  “nhà thương điên”. Nhưng khi thâm nhập vào thực tế mới biết cõi thực của con người. Có những cái “điên” của “người điên” luôn làm người tỉnh thêm tỉnh. “Người điên” luôn chân thực trong cơn “điên” của mình và không có cái “điên” nào của người bệnh lại giống nhau mỗi người một vẻ, mỗi người một bệnh, thật ra cũng không dễ gì bị điên mà muốn “điên” cũng không “điên” được, “người điên” không dễ gì cho họ bị “điên”…ở đây tôi mới nhận ra rằng đây thế giới của người bệnh Tâm thần.

Là một Điều dưỡng trong nghề tiếp cận với thế giới phức tạp, kỳ dị huyền ảo này tôi càng nhận ra rằng người điên luôn độc đáo mặc dù chính họ là nổi khổ tâm lớn nhất cho gia đình và là gánh nặng cho Xã hội.

Đời người ai cũng có lần khủng hoảng về tâm lý, có người vượt qua, có người không thể vượt qua, có người ám ảnh sợ mình bị “điên” rồi những hụt hẫng lớn dần trong đời khiến họ không thể tìm được lối thoát! Quả là tâm hồn, lý trí con người lớn hơn cả thể xác.

Đến với “thiên đường” của người điên” mà chúng ta thường gán cho nó. Kể về Bệnh nhân Tâm thần thật không hết. Bệnh nhân hưng cảm ca hát nói cười cả ngày, gắn hoa trên đầu, nhảy múa ngộ nghĩnh, lăng xăng. Những người trầm cảm cứ u buồn, có bệnh nhân muốn chết có thể nhảy xuống giếng xuống sông, đâm vào xe, treo cổ, cắn lưỡi, dùng vật sắt nhọn đâm vào tai vào bụng…Nhiều bệnh nhân lì rì, phẳng lặng, im lìm ngồi hoài một chỗ, mất ý chí, không muốn tiếp xúc với ai, chẳng màng tắm rửa, ghẻ mọc khắp người. Có bệnh nhân từ chối ăn uống hằng tháng cho rằng mình không có dạ dày thức ăn vào lên não…

Có bệnh nhân hoang tưởng được yêu lúc nào cũng yêu Bác sĩ đẹp, bệnh nhân hoang tưởng là lãnh đạo, là Chúa, là Phật là cháu là bạn của ông này ông nọ từ trung ương đến địa phương. Hóa ra ai cũng muốn mình là tài ba…!

Có nhiều Bệnh nhân tưởng mình là chim cứ trèo lên cây và bay. Bệnh nhân đi đi lại lại muốn chóng cả mặt sợ nhất là bệnh nhân ngáo đá (loạn thần do sử dụng ma túy đá)…

Những Bệnh nhân đến với Khoa Phục Hồi Chức Năng con người họ tình cảm và dễ thương biết bao họ kể về gia đình và cuộc đời họ. Có nhiều bệnh nhân là tri thức là Bác sĩ, là Kĩ sư, là một giảng viên trường Đại học…

Nhiều Bệnh nhân muốn được ở lại Bệnh viện không muốn ra viện sợ về với gia đình và Xã hội sợ bị kỳ thị, coi là “điên” không biết gì nên họ khao khát từng lời trò chuyện mỗi khi gặp ai đó dù quen hay lạ. Ít ai biết sự xa lánh của mình làm họ chìm sâu vào thế giới của cơn mê tách biệt của Xã hội hơn.

Nhưng khi mà hiểu được nỗi đau về thể xác và tâm hồn hay những cú sốc đau đớn mà họ trải qua. Tôi tin, tất cả chúng ta đều thấu hiểu và chia sẽ.

Vì vậy, những cuộc trò chuyện cởi mở với Bệnh nhân, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của họ cũng là liệu pháp giúp họ mau khỏi bệnh về hòa nhập với cộng đồng.

Qua đây, tôi muốn nhắn gởi đến các bạn hãy thêm yêu thương, yêu cuộc sống này, nếu chúng ta cứ mãi miết đi tìm cuộc sống nơi xa vời mà không biết trân trọng những gì tốt đẹp nhất ngay trước mắt thì quả là phung phí qũy thời gian của cuộc đời. Hãy tranh thủ yêu mình, yêu người và yêu đời bạn nhé./.

 

Trương Thị Ngọc Thúy/ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam