Đó là những câu chuyện bi hài mà hằng ngày các y bác sỹ, điều dưỡng ở bệnh viện tâm thần đang phải đối mặt trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, nơi đang điều trị gần 100 bệnh nhân tâm thần nội trú, việc khám chữa bệnh của các y bác sỹ tại đây luôn phải đối mặt với những áp lực nặng nề, họ làm việc trong một môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể xảy đến.
Vượt qua tất cả, những người thầy thuốc nơi đây vẫn kiên trì bám trụ với nghề, với họ những bệnh nhân tâm thần là những con người bị tổn thương về thể xác lẫn tâm hồn, và để làm lành lặn những tâm hồn bị tổn thương ấy, người thầy thuốc cần phải có cái tâm thật sự.
Những tiếng la hét, đập phá điên loạn của những bệnh nhân tâm thần… chính là những âm thanh quen thuộc đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ bên trong cánh cửa Bệnh viện tâm thần Quảng Nam. Những bệnh nhân được điều trị tại đây không đơn thuần là những chứng rối loạn về tư duy, nhận thức, cảm xúc, họ là những người rối loạn về hành vi từ nhẹ đến nặng.
hHơn 80 cán bộ, y bác sỹ tại đây, họ đang phải tiếp xúc với đối tượng bệnh nhân gần như hoàn toàn mất kiểm soát về hành vi … luôn đối mặt với nguy cơ bị hành hung từ chính bệnh nhân của mình. Trò chuyện với chúng tôi, Bs Lê Tấn Thơ – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam cho biết: “Bệnh nhân có những phản ứng chống đối lại, đánh nhân viên, cau có hoặc có những lời nói thô tục và sự hằn học, sự kích động của bệnh nhân”.
Có những y bác sỹ trẻ bị sốc khi bị bệnh nhân hành hung trong những tình huống không thể lường trước. Điều dưỡng Nguyễn Quang Nghĩa kể lại: “Vừa nằm xuống cho mình chích thuốc thì bệnh nhân quay ngược lại bóp cổ mình. Khi mình vùng ra thì bệnh nhân đuổi theo tấn công”.
Trong số những bệnh nhân điều trị tại đây, có hơn 30% bệnh nhân bị rối loạn tình dục. Đã có những câu chuyện dở khóc, dở cười xảy đến với các y sỹ và điều dưỡng nữ, điều dưỡng Lê Thị Phương Yến bùi ngùi chia sẻ: ‘Đôi khi bị bệnh nhân cầm tay hoặc ôm, có bệnh nhân rối loạn tình dục thì người ta sẽ kéo quần họ xuống, mới đầu thì em cũng sợ và rất lo lắng”. Dần rồi cũng thành quen… chính môi trường làm việc khắc nghiệt nơi đây đã rèn luyện cho họ tâm lý vững vàng.
Những câu vè thốt lên trong vô thức từ một bệnh nhân tâm thần cứ ám ảnh mãi chúng tôi …
Ve vẻ vè ve
Cái vè bệnh viện
Lắm kẻ khùng điên
Thằng thì xé áo
Có kẻ đốt nhà
Quậy phá tùm lum
Ấy gọi là trùm
Hay tính phiên hạ
Tính tình rất lạ
Ấy gọi tâm thần
Có đứa nhiều lần
Phát đi tái lại….
Ai sinh ra cũng muốn mình được khỏe mạnh và lành lặn, nhưng có lẽ đối với những bệnh nhân tâm thần, những tổn thương về mặt tâm hồn của họ là không gì có thể bù đắp được…
Đằng sau những vẻ mặt ngơ ngác, ngây ngô, những ánh mắt thất thần, những tiếng la hét và những hành vi vô thức ấy…, những bệnh nhân tâm thần tại đây, họ có những cảnh đời, những số phận éo le luôn cần được sẻ chia. Thế nhưng, chính vì những hành vi mang xu hướng bạo lực mất kiểm soát, bệnh nhân tâm thần thường bị cộng đồng xa lánh, thậm chí có trường hợp bệnh nhân nhiều lần hành hung chính cha mẹ, anh em ruột để rồi bị chính những người thân của mình bỏ rơi.
Theo thống kê, số người mắc bệnh tâm thần ở Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số và hơn 300.000 người bị bệnh tâm thần nặng cần được điều trị. Chỉ có khoảng 20% trong số này được quản lý, chăm sóc còn đa phần sống tại cộng đồng đồng với nhiều nguy cơ, có thể gây hại cho bản thân và người khác.
Nhớ lại những lần lên cơn của người con trai có hơn 10 năm mắc bênh tâm thần, ông Nguyễn Thanh Kim chua xót: ‘Cả cha, cả mẹ, cả anh, cả em đều không là chi với nó. Nó về nó phá phách, nó đập. Nhiều lúc, mình nhờ họ trói lại đưa đi bệnh viện nhưng họ cũng trớ bời vì nhiều lần đánh họ. Lo âu không làm ăn chi được, suy sụp kinh lắm’.
Đã có nhiều bệnh nhân khi quay lại cộng đồng bị kỳ thị, xa lánh, và phải trở lại bệnh viện vì tái phát bệnh. Đối với nhiều người trong số họ, bệnh viện là nhà, thầy thuốc là người thân. Điều dưỡng Nguyễn Quang Nghĩa chia sẻ: ‘Hầu như là nói chăm như chăm một đứa con, móng tay móng chân là phải bấm, rồi tắm, rồi cắt tóc. Rồi mùa đông phải đi, để ý bệnh nhân nào không đắp mền không vì họ đâu có ý thức được’.
Các bác sỹ tại Bệnh viện tâm thần Quảng Nam đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Bác sĩ tâm thần phải coi nỗi đau của bệnh nhân là nỗi đau của mình thì mới có thể làm tốt công việc này”.
Cũng như người xưa từng nói, “ tâm bệnh phải được chữa bằng tâm dược” và chữa bệnh cho người điên, ngoài sự hỗ trợ của y học hiện đại, điều trị bằng thuốc men thì tình thương mà người thân và bác sỹ dành cho bệnh nhân chính là liều thuốc tinh thần có thể mang lại những hiệu quả ngoài mong đợi mà có khi y học hiện đại chưa hẳn đã làm được.
Bác sĩ Lê Tấn Thơ chia sẻ: ‘Người bệnh đến với mình thì mình không nhìn nhận họ là một người điên, phải nghe và lắng nghe để mình hiểu được bệnh nhân đó. Mỗi bệnh nhân khi họ nói chuyện, họ sẽ giãi bày trong đó, họ sẽ bộc lộ ra được cái hoang tưởng của mình để mình đánh giá, mình tiên lượng điều trị’.
Tận mắt chứng kiến những nỗi vất vả, nhọc nhằn của các y bác sỹ tại bệnh viện, những người thân, gia đình của những bệnh nhân tâm thần tại đây đều dành những tình cảm quý mến, sự kính trọng cho những người thầy thuốc.
Bệnh nhân Hồng Thị Ánh Tuyết (54 tuổi, Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam) bày tỏ sự cảm phục: ‘Mình thấy những cô y tá tại đây là những người chiến sĩ thầm lặng’. Ông Nguyễn Thanh Kim (người nhà bệnh nhân) thì xúc động nói: ‘Không có người bệnh nào mà cực bằng bệnh tâm thần và những y bác sĩ của bệnh viện tâm thần. Là người cha, người mẹ lo cho con mình thấy còn không nổi huống chi người bác sĩ. Cho nên tôi rất thương mến những người bác sĩ tại đây, đúng y là người mẹ hiền’.
Bà Nguyễn Thị Mai (76 tuổi, khối phố 5, phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ) – người nhà bệnh nhân cũng góp thêm: ‘Mua cái quà, nải chuối, cái bánh tới cho họ ăn cho hắn vui vẻ, họ không cho. Họ kêu người đau bệnh rồi, có để cho người bệnh họ ăn chớ ăn chi của các người bệnh’.
Hơn mọi danh hiệu trong cuộc đời người thầy thuốc, tấm lòng và những tình cảm to lớn của bệnh nhân và gia đình họ chính là phần thưởng cao quý nhất, đáng tự hào nhất đối với đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện tâm thần Quảng Nam.
Trong xã hội ngày nay khi những giá trị về vật chất đã được đẩy lên quá cao đôi khi làm chúng ta mất dần niềm tin vào những giá trị nhân văn giữa người với người, thế nhưng đâu đó trong cuộc sống ồn ào, lắm xô bồ này, vẫn còn đó những người thầy thuốc ngày ngày sống chung với những bệnh nhân tâm thần. Họ luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ ‘’Lương y phải như từ mẫu’’… đem tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia và tình thương yêu để làm liền sẹo những tâm hồn bị tổn thương.