Ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, những bệnh nhân lúc tỉnh lúc mê luôn được quan tâm đặc biệt. Họ như những đứa trẻ, có thể gây thương tích cho y – bác sĩ bất kỳ lúc nào. Nhưng nghề nó vận, nguồn thương yêu cứ thế bồi đắp theo tháng rộng năm dài trong đội ngũ y tế nơi đây.
Những hoạt cảnh buồn
Cánh cửa sắt mở ra trong thanh âm khô khốc. Phía trước chúng tôi là những khung cảnh nhuốm màu cũ úa. Một nhóm vài người tan rã ra, nhanh chóng trở về phòng, hoặc đi về phía chúng tôi, hoặc tiếp tục vô thức với những gì mình đang làm. Nhưng theo yêu cầu của những người mặc áo blouse trắng, họ ngoan ngoãn về phòng để được khám, theo dõi bệnh. Mỗi phòng như thế, tùy bệnh trạng của đối tượng mà có một hoặc nhiều giường bệnh. Trong phòng, ngoài bình nước lọc, giường chiếu và màn, hầu như chẳng có gì nữa. Do đặc thù của bệnh nhân nên các trang thiết bị, vật tư y tế… được để ở một phòng riêng trong mỗi khu, nhằm tránh tình trạng bệnh nhân dùng các vật dụng này để gây tổn thương cho mình, bạn bệnh và cả những người chăm sóc họ.
Trên giường bệnh, người đàn ông đã sắp qua hết tuổi trung niên nghe theo từng chỉ dẫn của chàng điều dưỡng trẻ. Sau khi khám, anh ngồi nán lại trò chuyện, ân cần sửa lại cổ áo cho ông. Những lời tâm sự đó, có thể quá “sến” đối với chúng ta, nhưng với những người bệnh ở đây, còn hơn cả liều thuốc an dưỡng tinh thần. Phía bên ngoài phòng bệnh, một bệnh nhân tuổi thanh niên mặc chỉ mỗi chiếc quần jean cắt ngắn, dòm qua khung cửa, rồi cười khi bắt gặp ánh mắt hiền từ của các y – bác sĩ. Căn phòng cuối cùng mà chúng tôi đến chỉ có một giường dành cho nam bệnh nhân. Những cơn nghiện rượu trượt dài khiến người đàn ông này tổn hại đến tinh thần. Đó là lý do ông vào đây. Đôi tay run bần bật, ông đỡ lấy hộp sữa từ người vợ vào thăm nom…
Một nam điều dưỡng tận tình chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Ảnh: GIANG KHÁNH |
Chuyện nghề
Trở ra ngoài, chúng tôi lắng nghe những câu chuyện nghề mà các điều dưỡng, y – bác sĩ ở đây đã và đang trải qua. Điều dưỡng Phạm Thị Tề – Trưởng Điều dưỡng Khoa cấp tính nam, đã ở tuổi 52 vẫn tràn đầy nhiệt tâm với công việc. Gần 16 năm “làm bạn” với người bệnh tâm thần, những câu chuyện mà nữ điều dưỡng này kể, đượm cả buồn vui. Cái buồn, thậm chí xuất phát từ cái nhìn không sâu sắc về nghề từ các đồng nghiệp ở bệnh viện khác, hay từ xã hội. “Nhưng buồn nhất, là phần lớn những bệnh nhân đến đây đều cô độc. Họ được người nhà đưa đến, rồi rất ít người trở lại để chăm sóc, vì phần lớn do điều kiện gia đình quá khó khăn. Cũng có người, sau khi đem người nhà đến, đóng tiền xong, coi như hết nhiệm vụ. Chỉ tội cho người bệnh, những lúc họ tỉnh, nhìn đời họ quạnh quẽ mà mềm lòng. Buồn thương như vậy, nên mỗi khi bệnh tình của họ thuyên giảm, thần trí ổn định, những người như chúng tôi thấy rất vui” – điều dưỡng Tề tâm sự.
Với những người bệnh tâm thần, họ chẳng khác gì một đứa trẻ, khi không thể tự mình làm những công việc cơ bản như tắm rửa, vệ sinh… Vì không có người nhà chăm sóc nên các điều dưỡng, y – bác sĩ ở đây phải kiêm luôn việc chăm lo những khâu vệ sinh cho người bệnh. Nhưng, như đã nói, họ là bệnh nhân tâm thần, nên được ví von là những đứa trẻ không biết nghe lời. Đã đành, những đứa trẻ này còn có thể bất ngờ gây thương tích cho các “bảo mẫu”. Và cái chuyện bị bệnh nhân đánh, luôn được đưa vào dự tính mỗi khi đi thăm khám, chăm sóc người bệnh. Nên khi điều dưỡng, y – bác sĩ đến các phòng làm nhiệm vụ, ở phía ngoài luôn có đồng nghiệp trong tư thế “sẵn sàng hỗ trợ”. Thì nói vậy, chứ sau một thời gian điều trị, tâm tính người bệnh trở nên hiền hòa, thân thiện hơn, những người khoác áo blouse cảm thấy nhẹ nhõm hơn với công việc.
Cũng tại đây, chúng tôi gặp bác sĩ Trần Đình Hóa – Trưởng khoa Cấp tính nam, người gắn bó với nơi này từ năm 1997, sau khi có 5 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần ở TP.Đà Nẵng. Khó khăn của nghề này, theo bác sĩ Hóa, là xuất phát từ sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân. Còn cái chuyện bị bệnh nhân đánh, chửi mắng… là lẽ thường mà những người hành nghề y đã xác nhận khi làm công việc này. Tất nhiên, đôi lúc họ thấy mủi lòng ngay cả khi người nhà của bệnh nhân xúc phạm. Nhưng rồi phải gạt bỏ những phiền muộn riêng tư ấy, để ít nhất là hoàn thành công việc mà mình đã chọn. Năm tháng đi qua, sự nuôi dưỡng thương yêu đối với người bệnh ngày một lớn dần. Chúng tôi thầm nghĩ, với đặc thù như thế, mà những người khoác áo blouse ở đây không đủ y đức, chắc đã bỏ ngang từ lâu.
Còn đó nỗi niềm…
Bác sĩ Võ Quang Thiều – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam tâm sự: “Ở bệnh viện này, từ ngày tái lập tỉnh đến nay không có thêm một bác sĩ mới nào về công tác. Đội ngũ 6 bác sĩ từ thuở ban đầu vẫn “chiến” đến ngày hôm nay. Tầm năm hoặc sáu năm nữa, số bác sĩ này về hưu hết, mà tín hiệu từ bác sĩ mới vẫn chưa thấy đâu…”. Phải chăng, điều này là chân thật nhất phản ánh sự thực dụng được đề cao của xã hội hiện tại? Và để có nguồn bác sĩ kế tiếp, vì không thể đi đường thẳng, phải chọn đường vòng, đó là bệnh viện chọn các y sĩ có năng lực để đưa đi đào tạo bác sĩ.
Tôi nhớ lại lời bác sĩ Hóa, có khi một bác sĩ phải “cõng” hơn 40 bệnh nhân, nhưng phải cố gắng, vì đó là khó khăn chung, là đặc thù ở bệnh viện này. Trước đây, từ các chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi năm bệnh viện được hỗ trợ từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền thuốc và kinh phí hoạt động, nhưng những năm gần đây bắt đầu cắt giảm. Và hiện tại, theo bác sĩ Thiều, tiền thuốc của năm 2016 vẫn chưa biết thế nào. “Ngày trước, khi cộng tác viên làm việc, mình có trả phí cho họ ít nhiều. Bây giờ, chỉ còn chi phí cho các loại thuốc thiết yếu, sau này không biết thế nào” – bác sĩ Thiều trăn trở.
Nên xin được nhắc lại, những người ở đây, vẫn đang ngày đêm dành hết tình cảm cho bệnh nhân của mình, là những người lai láng tấm lòng y đức. Nhưng trong thẳm sâu tấm lòng y đức ấy, là cả những nỗi niềm còn mãi.
Ghi chép của XUÂN KHÁNH – PHƯƠNG GIANG
(Nguồn từ Quảng Nam Online)