Rối loạn lo âu bệnh tật

Ảnh minh họa

Khi gặp một vấn đề về sức khỏe, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều có một nỗi lo nhất định nhưng lo lắng quá nhiều về bệnh tật sẽ khiến bạn bệnh thêm bệnh. Vậy lo như thế nào là hợp lý và lo như thế nào đã trở nên bất thường. Chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin về Rối loạn lo âu bệnh tật như sau:

Rối loạn lo âu bệnh tật (đôi khi được gọi là hypochondria) là một nỗi sợ dai dẳng bị mắc một bệnh gì đó nghiêm trọng. Người mắc rối loạn này thường quan tâm quá mức đến sức khỏe của mình. Người đó có thể dễ dàng bị hoảng sợ bởi bất cứ điều gì có thể được hiểu là dấu hiệu của bệnh tật cho dù đó là những triệu chứng bình thường hoặc rất nhẹ. Đối với họ, những triệu chứng này có thể báo hiệu cho một căn bệnh ác tính xảy ra.

Những người Rối loạn lo âu bệnh tật sẽ bận tâm quá mức rằng mình đang mắc một bệnh nghiêm trọng, hoặc một bệnh lý gì đó mà bác sĩ chưa tìm ra. Thông thường những người này không có các triệu chứng cơ thể hoặc nếu có cũng là những triệu chứng rất nhẹ như thỉnh thoảng đau, nhức một vài nơi hoặc cảm giác cồn cào ở bụng. Những người mắc Rối loạn lo âu bệnh tật thường đi khám rất nhiều nơi, đã được làm rất nhiều các xét nghiệm, đã gặp rất nhiều bác sĩ, đa số họ được chẩn đoán rằng không mắc bệnh hoặc bệnh không nghiêm trọng nhưng họ vẫn cảm giác lo lắng, “Chắc rằng mình đang bị bệnh nan y gì đó nhưng bác sĩ không tìm ra” và họ vẫn tiếp tục đi tìm bác sĩ khác. Những người này thường dễ bị hoảng loạn, lo sợ khi nghe thấy một ai khác đổ bệnh hoặc đọc một dòng tin tức về sức khỏe có những triệu chứng giống mình. Một số người khác thay vì đi khám liên tục từ bác sĩ này đến bác sĩ khác để tìm ra mình mắc bệnh gì thì một số người lại sợ, tránh né kiểm tra sức khỏe vì họ sợ sẽ phát hiện ra mình bị bệnh nan y.

Những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến rối loạn lo âu bệnh tật

– Có cuộc sống áp lực;

– Sống trong gia đình mà các thành viên quá quan tâm đến sức khỏe của bạn khi bạn còn trẻ;

– Lúc nhỏ từng bị lạm dụng hoặc từng mắc phải một bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và sau đó hồi phục lại hoặc ba mẹ bị bệnh nặng;

– Nhân cách: là người rất hay lo lắng về bất kỳ sự việc nào;

– Theo dõi những thông tin sức khỏe trên internet quá mức…

Vậy khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Ảnh minh họa

Khi mà lo lắng về sức khỏe của bạn đang ngăn cản bạn sống một cuộc sống bình thường và bạn đã áp dụng những phương pháp tự giúp đỡ bản thân vượt qua lo lắng không hiệu quả bởi những triệu chứng cơ thể có thể liên quan đến những vấn đề sức khỏe thật sự, bạn cần được đánh giá bởi bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện mà bạn gặp phải để chẩn đoán xem những lo lắng đó liệu có phải là vấn đề hay không, nếu bác sĩ tin rằng bạn có thể bị rối loạn lo âu về bệnh tật, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Một số phương pháp giúp bản thân vượt qua nỗi sợ bệnh tật:

– Hàng ngày liệt kê những biểu hiện lo lắng của bản thân trong thời gian gần đây ra giấy, sau đó cố gắng tự kiểm soát hạn chế các biểu hiện đó ít nhất có thể;

– Tự tạo ra niềm vui đối với bản thân, thiết lập lại những sở thích mà thời gian gần đây đã bỏ quên như tham gia vui chơi cùng nhóm bạn,  đi shopping, tập thể dục buổi sáng, đọc sách hoặc tham gia khóa học yoga…

Nếu bạn có người thân yêu bị rối loạn lo âu bệnh tật, bạn sẽ chăm sóc như thế nào?

Lo lắng quá mức về sức khỏe có thể gây ra đau khổ thật sự cho người bệnh và sự trấn an không phải lúc nào cũng hiệu quả. Việc trấn an có thể làm cho người bệnh cảm thấy bực bội và gây căng thẳng cho các mối quan hệ. Vì vậy bạn nên khuyến khích người thân của bạn đến gặp bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ và tìm cách đối phó với rối loạn lo âu bệnh tật.

Rối loạn lo âu bệnh tật có thể khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sao nhãng công việc và giảm đi các mối quan hệ xã hội. Vì vậy điều cần thiết nhất ở những bệnh nhân này đó chính là đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.

Hãy đến với chúng tôi:
BỆNH VIỆN TÂM THẦN QUẢNG NAM
Đường Nguyễn Văn Trỗi – Phường An Phú – Thành Phố Tam Kỳ  – Tỉnh Quảng Nam

Tổ quản lý chất lượng bệnh viện