Bệnh trầm cảm dễ dẫn đến hành vi tự sát

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hơn 1 triệu người chết do tự vẫn mỗi năm, ước tính rằng tự sát là nguyên nhân đứng thứ 13 gây ra tử vong trên toàn thế giới. Bài viết này đề cập đến bệnh trầm cảm để dẫn đến hành vi tự sát.

Tự sát có nghĩa là “Tự giết, giết chính mình” hay tự tử, tự vẫn là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình. Tự sát thường có liên hệ với trạng thái tuyệt vọng, hoặc do một số rối loạn tâm thần cơ bản bao gồm: Trầm cảm, Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, Tâm thần phân liệt, Nghiện rượu và Lạm dụng ma túy…

Theo WHO nhận định về sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ 4 sau các bệnh: Tim mạch, Ung thư, Đái tháo đường. Trong đó rối loạn trầm cảm là vấn đề lớn trong lĩnh vực tâm thần học, là bệnh khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao tại nhiều nước trên thế giới khoảng vài chục năm gần đây, số người bị rối loạn trầm cảm chiếm tỉ lệ cao trong nhân dân ở hầu hết các nước trên thế giới theo ước tính của WHO 5% dân số trên hành tinh của chúng ta có rối loạn trầm cảm rõ rệt, ở nước ta có nhiều công trình nghiên cứu dịch tể học trầm cảm, nói chung các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trầm cảm chiếm trên 3% dân số.

Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam trong 05 năm (01/1/2012-31/12/2017) có 111 người bệnh trầm cảm nhập viện điều trị nội trú.

Theo Báo sức khỏe tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ước tính cứ 10 bệnh nhân trầm cảm nặng thì có đến 4 người muốn tự sát và 1 người đã thử quyên sinh nhưng thất bại.

(Hình ảnh minh họa)

Trầm cảm (theo ICD-10) có các triệu chứng như sau:

– Triệu chứng đặc trưng: Khí sắc giảm, mất mọi quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn đến tăng mệt mỏi và giảm hoạt động.

– Triệu chứng phổ biến hay gặp: Giảm sự tập trung chú ý, giảm sút tính tự trọng và lòng tin, những ý tưởng bị tội và không xứng đáng nhìn tương lai ảm đạm, ý tưởng và hành vi tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng.

Trầm cảm có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Hiện nay các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, shock điện, kích thích từ xuyên sọ.

Do các tính chất của bệnh trầm cảm và người bệnh không được phát hiện sớm, điều trị chăm sóc kịp thời hay bệnh nhân tự bỏ điều trị…, người bệnh đều phải trải qua các loại cảm xúc tiêu cực trong cuộc đời. Lo lắng, chán nản, trầm uất, sợ hãi…nghi mình yếu đuối, kém cỏi dẫn đến hành vi tự sát.

Trầm cảm là rối loạn cần điều trị kéo dài. Hơn 50% bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái diễn sau lần 1, tỉ lệ này tăng lên 70% sau lần tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn lên tới 90%. Do đó người mắc trầm cảm cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và cộng đồng với các biện pháp trị liệu tâm lý tích cực (Vietnamnet).

Qua bài viết này rất mong mọi người chú ý đến sức khỏe, tinh thần, nếu có các triệu chứng trên hãy đến với các cơ sở Chuyên khoa Tâm thần khám để phát hiện và điều trị kịp thời. Toàn xã hội “Hãy hành động để ngăn chặn hành vi tự sát”.

Huỳnh Văn Thiên (Tổ T3G)
Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam